Sầu riêng bị vàng lá sau thu hoạch và cách xử lý
Bệnh vàng lá, cháy lá ở cây sầu riêng và giải pháp xử lý
1. Bệnh cháy lá, chết đọt ở sầu riêng
Lá đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn cây sinh sản, làm bông, nuôi trái của cây sầu riêng. Cháy lá làm ảnh hưởng đến chức năng quang hợp và tổng hợp chất dinh dưỡng để nuôi cây, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của cây, khiến cây dễ bị rụng bông, trái nhỏ èo uột ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng quả thu hoạch.
Bệnh cháy lá, chết đọt ở sầu riêng thông thường là do nấm Rhizoctonia solani Kuhn (cháy tổ kiến hoặc bỏng lá) hoặc nấm Collectotrichum zibethinumi (thán thư) gây ra. Đây là các loại nấm bệnh thường gây hại chủ yếu trên các cây sầu riêng con và cả những cây trưởng thành. Bệnh thường xuất hiện tại một chỗ khi gặp môi trường ẩm, mùa mưa, thiếu ánh sáng, sợi nấm sẽ phát triển cực mạnh và lây sang những cây khác.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón lá có hàm lượng Kali, Lân quá cao, không cân đối cũng là nguyên nhân dẫn đến vàng lá hoặc cháy lá do lạm dụng Paclobutrazol.
Và một nguyên nhân khác nữa cũng có thể gây ra tình trạng cháy lá là khi nhiệt độ cao và độ ẩm thấp cũng có thể gây ra tình trạng này, thông thường lá sẽ bị cháy ở hướng đông trước.
2. Dấu hiệu nhận biết các tình trạng cháy lá, chết đọt
Bệnh cháy lá, chết đọt do nấm bệnh thường xuất hiện và gây bệnh vào những thời điểm khác nhau khi mắc bệnh thường có các dấu hiệu như sau:
Đối với cây sầu riêng bị cháy lá do nấm bệnh:
+ Đối với cây bị nấm bệnh cháy tổ kiến, bỏng lá: Bà con nông dân sẽ thấy cây sầu riêng có lá bị cháy từ gốc lên rồi dính lại với nhau, khi gỡ ra sẽ thấy có tơ màu vàng nâu, có lá sẽ xuất hiện hạch màu vàng nâu nhạt. Còn nếu cây bị nặng lá sẽ rụng hết và khiến cây trụi lá. Ở các cây sầu riêng trưởng thành lá nhiễm bệnh thường xuất hiện từ bên dưới gốc rồi lan dần lên phía trên có biểu hiện như bị phồng rộp và sau đó chuyển từ màu vàng nâu sang trắng xám. Nếu gặp trời mưa dầm, độ ẩm không khí cao, những đốm bệnh sẽ dần chuyển sang màu đen và nhũn ra.
+ Đối với cây bị cháy lá do thán thư: Ban đầu bệnh sẽ xuất hiện ở 2 bên mép lá sau đó lan rộng ra, đặc trưng là những vòng đồng tâm trên vết bệnh và có những hạt đen li ti là các ổ bào tử nấm bệnh. Giữa vết bệnh và phần xanh còn lại của lá có đường ranh giới rõ rệt màu nâu. Bệnh thường phát sinh trên lá già và lá bánh tẻ. Nếu bệnh nặng sẽ cháy toàn bộ lá và rụng sớm, khiến cây kém phát triển nhất là ở các cây còn nhỏ.
Bà con nông dân nên nắm chắc cách nhận biết cây sầu riêng cháy lá, chết đọt do nấm bệnh gây ra hay do cây bị bón dư đạm, Kali, lạm dụng Paclobutrazol, hoặc cháy lá do ảnh hưởng từ nhiệt độ cao và độ ẩm thấp để có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng bệnh giúp cây mau chóng phục hồi.
3. Biện pháp phòng ngừa cháy lá chết đọt sầu riêng sau thu hoạch
Để phòng trừ bệnh cháy lá, chết đọt trên cây sầu riêng sau thu hoạch hiệu quả thì bà con cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau:
+ Thu gom lá rụng ở vườn đi đốt hủy sạch sẽ và dọn cỏ thường xuyên để vườn luôn luôn thông thoáng, vệ sinh vườn để khử sạch nấm bệnh.
+ Kiểm tra rễ. Nếu rễ bị đen và thúi thì diệt khuẩn trước.
+ Xới nhẹ gốc.. Đo pH đất nếu nhỏ hơn 4, tưới nhẹ vôi với liều pha loãng như sau 1 kg vôi/200 lít nước. Mỗi gốc 20-30 lít.
Lưu ý: Nếu đất trũng không thoát nước khơi thông hộc và tạo rãnh thoát nước.
Trên đây là những chia sẻ ngắn gọn về bệnh vàng lá ở cây sầu riêng, rất mong được góp phần hỗ trợ bà con trong công tác trồng cây nông nghiệp. Kính chúc bà con vụ mùa bội thu.